Tuesday, March 31, 2009

Hình thái kinh tế - xã hội

Một phạm trù cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, chỉ một cấu trúc xã hội ở từng giai đoạn lịch sử, dựa trên một phương thức sản xuất nhất định với kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho cơ sở kinh tế của xã hội và với một kiến trúc thượng tầng được xây dựng trên cơ sở đó. Các HTKT - XH đã có trong lịch sử qua các chế độ xã hội khác nhau (công xã nguyên thuỷ, nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa) là những nấc thang kế tiếp nhau trong quá trình phát triển của nhân loại như một quá trình phát triển lịch sử tự nhiên. Không phải tất cả các quốc gia dân tộc đều tuần tự trải qua tất cả các nấc thang của quá trình phát triển xã hội nói trên. Trong những hoàn cảnh lịch sử và điều kiện kinh tế - xã hội nhất định của thời đại, có những quốc gia dân tộc có thể bỏ qua một hoặc hai nấc thang của quá trình phát triển xã hội để tiến thẳng lên một hình thái cao hơn. Mỗi HTKT - XH cũng là một "cơ thể xã hội" cụ thể, bao gồm trong đó tất cả các thành phần vốn có và các hiện tượng xã hội trong sự thống nhất hữu cơ và sự tác động biện chứng. Mỗi một HTKT - XH đều có cấu trúc phổ biến và tính quy luật chung, có những mối liên hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng, giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Sự tác động lẫn nhau giữa các thành phần cơ bản nói trên là động lực bên trong thúc đẩy sự vận động của HTKT - XH và sự tiến bộ lịch sử, làm chuyển biến xã hội từ HTKT - XH thấp lên HTKT - XH cao hơn, thường là thông qua những chuyển biến có tính cách mạng về xã hội.
Trước hết cần khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa xã hội hiện thực là hoàn toàn phù hợp với quy luật vận động, phát triển khách quan của lịch sử xã hội, phù hợp với tiến trình lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội. Cho dù đến nay, chủ nghĩa xã hội vẫn chưa xuất hiện ở những nơi mà chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến trình độ cao. Theo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác thì lực lượng sản xuất, xét đến cùng, bao giờ cũng là cái đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi phương thức sản xuất, dẫn đến thay đổi toàn bộ các quan hệ xã hội, thay đổi một chế độ xã hội mà Mác gọi là hình thái kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Mác đi đến kết luận: xã hội loài người phát triển trải qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, ứng với mỗi giai đoạn của sự phát triển đó là một hình thái kinh tế - xã hội. Và tiến bộ xã hội chính là sự vận động theo hướng tiến lên của các hình thái kinh tế - xã hội, là sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, tiến bộ hơn. Mác khẳng định: “tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(2). Mặc dù khẳng định quá trình lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội là tiến trình bị quy định bởi các quy luật khách quan, nhưng Mác cũng luôn luôn cho rằng, con người “có thể rút ngắn và làm dịu bớt những cơn đau đẻ”. Điều đó có nghĩa là, trong quan niệm của Mác đã hàm chứa tư tưởng: quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển xã hội chẳng những có thể diễn ra bằng con đường phát triển tuần tự từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác, mà còn có thể diễn ra bằng con đường bỏ qua một giai đoạn phát triển nào đó, một hình thái kinh tế - xã hội nào đó trong những điều kiện và hoàn cảnh khách quan cụ thể nhất định.

Như vậy về mặt lý luận, chúng ta có thể khẳng định sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay là quy luật khách quan trong quá trình phát triển của dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển khách quan của lịch sử và xu thế phát triển của thời đại. Chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu và đã trải nghiệm những thành công của công cuộc đổi mới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc. Theo chúng tôi trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây có nguyên nhân xa rời bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tách rời tính cách mạng với tính khoa học trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói, học thuyết về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ và về khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là bộ phận quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin. Là một học thuyết khoa học và cách mạng, học thuyết Mác - Lênin đã đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của thời đại, phản ánh chính xác những nhu cầu cơ bản cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản nhằm thay đổi thế giới và giải phóng con người. Để hoàn thành sự nghiệp vĩ đại đó, các Đảng cộng sản phải vận dụng sáng tạo bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong tiến trình cách mạng, nhất là trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước lạc hậu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đã có không ít người hoài nghi tính đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội. Các thế lực phản động quốc tế coi sự sụp đổ đó là “sự cáo chung” của toàn bộ lý luận mác xít về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ và khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong tình hình cực kỳ khó khăn phức tạp như vậy, công cuộc đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã thể hiện mạnh mẽ sức sống của chủ nghĩa xã hội hiện thực và thu được những thành tựu ngày càng to lớn. Thắng lợi của đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hai mươi năm qua đã cho thấy, những luận điểm, tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là cơ sở lý luận, là kim chỉ nam cho mọi hành động của chúng ta trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vấn đề không phải là bản thân lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có nhận thức thật sự đúng đắn bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và biết vận dụng một cách sáng tạo nó trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội hay không. Thực tiễn cho thấy, công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu thì chúng ta càng phải đối diện với những vấn đề khó khăn, phức tạp mới. Đất nước hiện đang đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức lớn. Tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải nhận thức lại cho đúng, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với bối cảnh mới của thế giới và trong nước hiện nay. Vận dụng sáng tạo bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ngày càng làm sáng tỏ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thời kỳ đổi mới. Đó là con đường “phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền tảng kinh tế hiện đại”(3).

Rõ ràng, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa với phương thức “phát triển rút ngắn” nhằm đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xây dựng chủ nghĩa xã hội, đương nhiên là một sự nghiệp to lớn, lâu dài, đầy khó khăn phức tạp. Nhưng thực tiễn luôn luôn là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn hai mươi năm đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế kéo dài, đã hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản của chặng đường đầu của thời kỳ quá độ và bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta đang tiến lên phía trước, bởi chủ nghĩa xã hội đổi mới của Việt Nam là biểu hiện sinh động sự thống nhất biện chứng giữa thuộc tính khoa học và thuộc tính cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là không gì có thể ngăn cản nổi, bởi vì đó là quy luật tiến hóa khách quan của lịch sử, lại đang được Đảng ta nhận thức và vận dụng sáng tạo. Quán triệt bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy tính độc lập, sáng tạo, đồng thời kế thừa tinh hoa trí tuệ dân tộc, những kinh nghiệm và thành tựu khoa học, văn hóa của thế giới, nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của những người cộng sản và nhân dân thế giới. Với thành công ngày càng to lớn của công cuộc đổi mới, đất nước ta, một lần nữa trở thành nơi gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng của bạn bè quốc tế. Việt Nam hôm nay đang được nhìn nhận một cách đầy ngưỡng mộ: “Đường lối đổi mới trong đó kết hợp kinh tế thị trường với kế hoạch, tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở công nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế là con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử... hy vọng rằng Đảng cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, đã từng chiến thắng trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ trước đây, sẽ thành công trước thách thức mới trên chặng đường mà chưa một ai đi qua”(4).

4. Kết luận

Bất chấp thăng trầm của lịch sử, từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn tỏ rõ sức sống mãnh liệt của mình. Thực tiễn thành công và thất bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã minh chứng hùng hồn: bản chất khoa học, cách mạng là nguồn gốc sức mạnh của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ khi ra đời cho đến nay, nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin mà Đảng ta đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ nghĩa xã hội đổi mới Việt Nam đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình và ngày càng thu được những thành tựu to lớn. Điều đó trước hết bắt nguồn từ bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trung thành với bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất định Đảng ta sẽ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội của thời kỳ đổi mới gắn với dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, HN, 2006 tr.70.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, NXB CTQG, HN, 1995, Tập 23 tr. 21.
3. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, HN, 2001 tr.84.
4. Lời chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng cộng sản Việt Nam, NXB CTQG, HN, 2001, tr.53.

No comments: